“Đối với tôi, ký ức tuổi thơ ở Việt Nam luôn hiện hữu về những gì bình yên, tươi đẹp nhất. Tuổi già muốn được tận hưởng, nghỉ dưỡng sẽ chẳng còn nơi nào thích hợp hơn quê hương”, ông chia sẻ lý do dẫn đến quyết định về Việt Nam năm 2012, sau hơn 40 năm ở Mỹ.
Ông Hòa tốt nghiệp Học viện Công nghệ Georgia ở Atlanta, bang Georgia, chuyên ngành kỹ sư cơ khí. Trước khi nghỉ hưu, ông làm quản lý dự án tại Sở Điện và Nước của thành phố Los Angeles. Ở tuổi 55, sau tròn 30 năm làm việc và đủ điều kiện nghỉ hưu, ông quyết định bắt đầu chương mới cuộc đời.
Việt kiều này đã khảo sát vài nơi ở Việt Nam trước khi chọn Đà Nẵng. Năm 2012, ông đưa vợ và con gái út trở về, còn hai con lớn đã lập gia đình vẫn ở Mỹ. Ông cùng những người bạn Việt kiều góp vốn xây dựng khu căn hộ cao cấp ven biển Sơn Trà. “Tôi sống ở căn hướng vào thành phố vì thích sự sôi động cả ngày lẫn đêm”, ông nói.
Mỗi sáng, ông Hòa, 66 tuổi chạy và bơi trên biển Đà Nẵng. “Biển ở đây sạch quá, chạy chân trần trên cát là một trong các trải nghiệm thú vị nhất từ khi về nước”, ông nói.
Ông Bảo Hòa (áo số 60), đang về đích trong giải Marathon quốc tế Đà Nẵng năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với ông Đàm Thế Quyền, 53 tuổi, ngày vui nhất trong đời là ngày chính thức được cấp quốc tịch Việt Nam sau 45 năm là công dân Canada. “Từ nay không còn gì rào cản với tôi trên hành trình tìm về cội nguồn”, ông nói.
“Cội nguồn” là từ ông Quyền từng chối bỏ. Mẹ ông người Sóc Sơn (Hà Nội), lấy cha người gốc Hoa, tị nạn sang Canada năm 1978, năm ông 8 tuổi. Lớn lên ở thành phố Guelph, bang Ontario, tuổi thơ của ông Quyền là những ngày nghèo đói và bị kỳ thị, phân biệt chủng tộc. “Tôi từng không muốn học tiếng Việt, không muốn ăn món Việt, không muốn liên quan bất cứ thứ gì liên quan đến Việt Nam”, ông nói.
Ông Quyền tốt nghiệp ngành Du lịch và Quản trị khách sạn tại Đại học Guelph và ở lại trường làm mảng tổ chức sự kiện. Mức lương và các đãi ngộ tốt, song công việc áp lực nên năm 2018 ông quyết định nghỉ việc.
Độc thân và không có áp lực kinh tế, một cơ hội đưa người đàn ông tới Việt Nam làm tình nguyện cho Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới (WUSC). Ông vừa hỗ trợ công dân Canada khi sang Việt Nam vừa tham gia giảng dạy trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn tại một số trường nghề, cao đẳng và đại học trên khắp cả nước.
Cuộc đời Việt kiều Canada này thay đổi từ đây. Càng ở Việt Nam lâu, ông càng nói được nhiều tiếng mẹ đẻ, biết về văn hóa, ăn được hầu hết món Việt. “Từ lúc đó tôi có cảm giác bị nghiện Việt Nam. Tôi muốn đi nhiều, gặp nhiều để bù lại sự thiếu thốn bên trong”, ông nói.
Ông Quyền, 53 tuổi tại một quán cà phê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đầu tháng 6/2023. Ảnh: Phan Dương
Theo ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 5,5 triệu người Việt ở nước ngoài và hơn một triệu thế hệ F2, F3 có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Trong số này hơn 20% đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, gắn bó với nguồn cội trong những năm cuối đời. Một thống kê của ông tại Australia cho thấy có 170.000 trong số 350.000 Việt kiều ở quốc gia này có nhu cầu về Việt Nam nghỉ hưu.
Khảo sát của Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM (HREC) cho thấy đa số kiều bào về nước muốn sống ở TP HCM và những nơi phát triển mạnh, các khu dân cư mới. “Hiện có khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về Việt Nam sinh sống”, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HREC cho biết.
Ông Bảo liệt kê có ba lý do hàng đầu khiến họ lựa chọn nghỉ hưu ở Việt Nam. Đầu tiên là tư tưởng “lá rụng về cội”. Trở về để được nói tiếng mẹ đẻ, ăn món quê hương, sống trong cộng đồng những người cùng văn hóa. Với nhiều người, quá trình sống ở nước ngoài khó hòa nhập và bị phân biệt chủng tộc càng thôi thúc họ trở về.
Thứ hai, Việt Nam đang ngày càng phát triển từ cơ sở hạ tầng, nếp sống hiện đại, đến các tiện ích, mà chi phí rẻ hơn hẳn ở nước ngoài.
Thứ ba, cả một đời lao động ở nước ngoài vất vả, ít được tương tác, vui chơi, giải trí. Trong nước có nhiều nơi thích hợp để nghỉ dưỡng và với nhiều Việt Kiều lớn tuổi, đây là “thiên đường” để tận hưởng cuộc sống.
Ông Bảo Hòa cho biết đã dành 10 năm để chuẩn bị kế hoạch về nước nghỉ hưu. Ông tìm hiểu chi tiêu hàng tháng, nơi sống, cách lĩnh lương ở Mỹ. Ông mua thêm một bảo hiểm phòng trường hợp khẩn cấp có thể sang các nước lân cận, dù đã có bảo hiểm cơ quan mua cho được chi trả mọi nơi trên thế giới.
Khó khăn nhất với ông không phải tài chính mà gia đình. Khi sang Mỹ ông chỉ một mình, giờ có 12 người gồm vợ, con, cháu, dâu rể. “Như cây cổ thụ đã sống mấy chục năm, tự nhiên bứng đi rất khó”, ông chia sẻ. May mắn ngày nay liên lạc rất dễ dàng qua các mạng xã hội, đi lại thăm nom nhau cũng thuận tiện.
Trở về sau 40 năm ở nước ngoài nhưng vợ chồng ông không hề gặp khó khăn. Hàng ngày bà thích ra chợ mua rau xanh và hải sản tươi sạch, rất rẻ. Còn ông Hòa có rất nhiều việc để làm. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng phong trào chạy bộ ở Đà Nẵng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển và động vật hoang dã, là phó chủ tịch hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố. Ông gây dựng một thương hiệu cà phê phong cách Mỹ nổi tiếng ở “thành phố đáng sống nhất” Việt Nam.
Quán cà phê là địa điểm ông đã giải đáp cho hàng nghìn Việt kiều về cuộc sống ở Việt Nam. Cũng như ông trước đây, mọi người thường quan tâm tới chi phí sinh hoạt, y tế, bảo hiểm.
Ông đã kể với mọi người về sự ngạc nhiên đến mức “không thể tin được” trong lần mổ sỏi mật năm 2014. Một khuya năm đó, ông lên cơn đau dữ dội phải cấp cứu. Vào bệnh viện ông nhận ra máy móc ở đó hiện đại hơn hẳn ở Mỹ (do đi sau tiếp nhận được công nghệ tiên tiến), phòng ốc sạch sẽ, thái độ phục vụ nhẹ nhàng. Ông càng bất ngờ hơn khi biết vị bác sĩ của mình đã mổ sỏi mật cho 2.000 bệnh nhân. Ca mổ thành công, ông nằm viện thêm 14 ngày, đến khi xuất viện phải trả hóa đơn khoảng 7.500 USD. Một người Việt cũng mổ sỏi mật cùng thời gian với ông chỉ phải trả bằng 1/10.
“Tôi nhận ra tất cả đều có lợi. Tôi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Bệnh viện Việt Nam thu được chi phí cao. Lợi nhất là hãng bảo hiểm của tôi chỉ phải trả một con số nhỏ hơn rất nhiều so với việc tôi mổ ở Mỹ”, ông chia sẻ. Trước đó ba năm vợ ông phẫu thuật cắt ruột thừa, nằm viện ba ngày mà hãng phải trả gần 100.000 USD.
Cuộc sống thuận tiện và thoải mái ở Việt Nam cũng là điều ông Đàm Thế Quyền thích. Trước đây ở Canada, mỗi lần đi nha khoa hay đơn giản đi cắt tóc đều phải chờ đợi cả tuần. Mẹ ông muốn được bác sĩ gia đình thăm khám cũng phải đặt lịch và chờ rất lâu. Chi phí để thuê một người chăm người già rất cao. Khi về Việt Nam, ông Quyền thuê một phòng có tầm nhìn ra hồ Tây (Hà Nội), tổng chi phí sinh hoạt mỗi tháng khoảng 1.500 USD.
Dù vậy, hai Việt kiều này rất mong Việt Nam sớm có những thay đổi tạo điều kiện cho Việt kiều về nước. Ngoài khó khăn về chính sách visa, họ muốn sở hữu nhà cửa, xe cộ đều đang phải đứng tên công ty hoặc nhờ người thân quen, từ đó kéo theo nhiều hậu quả đã xảy ra, ví dụ bị lừa hết tài sản. “Tôi muốn đường đường chính chính sở hữu nhà cửa, xe cộ, chứ không phải ‘lách luật’ như hiện tại”, ông Bảo Hòa chia sẻ.
Ông Peter Hồng nói thêm, Việt kiều muốn về nước phần đa là giới trí thức, doanh nhân, họ có đủ tiềm lực tài chính để mua nhà, đất, kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết để phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời thu hút nguồn lực kiều hối gửi về.
Năm 2022 kiều hối về Việt Nam tăng 4,5% so với 2021, chiếm 48% tổng thu ngân sách nội địa, nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. “An cư lạc nghiệp sẽ tạo tâm lý cho kiều bào muốn về nguồn cội, gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước”, ông Peter Hồng nói.
Một ngày đầu tháng 6, ông Quyền ghé thăm một trường đại học ở Hà Nội, với mong muốn được học thêm về du lịch Việt Nam, đồng thời tìm cơ hội chia sẻ kiến thức của mình. Cuối năm ngoái ông cũng đón được người mẹ 93 tuổi từ Canada về sống những ngày cuối cùng của cuộc đời trên đất quê hương. “Ở Canada, tôi như người ngoài. Về Việt Nam dù mang mác Việt kiều, trong tôi thoải mái mình là người trong cuộc”, ông chia sẻ.
Còn ông Bảo Hòa, 11 năm nghỉ hưu ở Việt Nam đã làm được rất nhiều việc. Nhưng hàng chục năm thâm niên trong lĩnh vực năng lượng, quản lý dự án điện và bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế, ông vẫn chưa tìm được cơ hội thích hợp để chia sẻ kiến thức của mình sau bao năm tích lũy trên đất Mỹ.
“Được đi dạy truyền lại kiến thức là mục tiêu lớn nhất của tôi trong những năm tới”, ông nói.
Phan Dương
Nguồn:”https://vnexpress.net/nhung-viet-kieu-thich-ve-nuoc-nghi-huu-4615295.html gidzl=sDeF3Sr726xHpGaBnLe0QDpE0G_V2LHbmfi718qD0pQJob46XrTJOyZAKm3NNrPacCzHKJ0jf31JnqWCPm”