Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam Ở Nước Ngoài
Kết nối doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới.

KHÓA ĐÀO TẠO “NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CHO CÁC HIỆP HỘI/ HỘI NGÀNH HÀNG”

Sáng ngày 09/8/2017, phiên khai mạc Khóa đào tạo “Nâng cao kiến thức và kỹ năng hội nhập kinh tế quốc tế cho các Hiệp hội/ Hội ngành hàng” đã diễn ra tại Khách sạn Viễn Đông (Quận 1, TP.HCM).

Đây là khóa đào tạo do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM (Trung tâm WTO) phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức; dành cho các đối tượng là thành viên Ban Lãnh đạo, Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng, cán bộ phụ trách và hội viên của các Hiệp hội/ Hội ngành hàng tại thành phố Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh thành lận cận.

Ngoài các đại diện của đơn vị tổ chức và đơn vị tài trợ, nhiều chuyên gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về những vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế cũng được mời đến tham dự buổi khai mạc; trong đó có ông Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ông Lê Quốc Bảo – Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa – Phó Giám Đốc Văn phòng SPS Việt Nam, bà Bùi Kim Thùy – Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa thuộc Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Văn Hải – Luật sư Công ty Luật Mayer Brown JSM tại Việt Nam và Tiến sĩ Trần Đức Hạnh – Chuyên viên cao cấp.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do; chính vì thế, vai trò của Hiệp hội/ Hội ngành hàng lại ngày càng trở nên quan trọng. Đây sẽ là cầu nối trung gian giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cụ thể về lộ trình cắt giảm thuế, về các thị trường xuất khẩu cũng như cập nhật kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật, hỗ trợ hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, khóa đào tạo lần này sẽ tập trung cung cấp cho học viên các kiến thức tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế, tóm tắt và nhấn mạnh những nội dung cần lưu ý trong các hiệp định thương mại tự do; đồng thời giúp học viên nắm vững những quy định cụ thể về TBT, SPS, quy tắc xuất xứ trong các hiệp định có Việt Nam tham gia. Quan trọng hơn, học viên sẽ được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các công cụ nghiên cứu thị trường, cách thức vận dụng C/O ưu đãi cũng như hiểu rõ các biện pháp phòng vệ thương mại cùng khả năng ứng phó dưới góc độ của Hiệp hội/ Hội ngành hàng.

Khóa học sẽ kéo dài 04 ngày (ngày 09-10/7 và 16-17/8/2017) với sự tham gia của gần 60 học viên đến từ nhiều đơn vị khác nhau. Học viên tham dự đầy đủ chương trình sẽ được cấp chứng chỉ của Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án EU – MUTRAP.

*Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) do Bộ Công Thương chủ quản, với nguồn ngân sách tài trợ từ Liên minh châu Âu lên tới 16.500.000 EUR (trong đó bao gồm 15.000.000 EUR của Liên minh châu Âu, 1.500.000 EUR đóng góp của Chính phủ Việt Nam và các bên hưởng lợi).

Dự án bắt đầu từ ngày 27/8/2012, dự kiến kết thúc ngày 31/01/2018, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiểu vùng, tăng cường quan hệ thương mại và đầu từ giữa Việt Nam – EU. Thông qua các chương trình cụ thể giúp tăng cường năng lực hoạch định và tham vấn chính sách, dự án sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam tiến hành thuận lợi hóa thương mại quốc tế và đầu tư, thực thi hiệu quả các cam kết liên quan, đặc biệt là trong quan hệ với EU

Theo Trung tâm WTO TP.HCM

Bài liên quan