Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam Ở Nước Ngoài
Kết nối doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới.

ĐỒNG THÁP KHỞI ĐỘNG MÔ HÌNH CANH TÁC LÚA CỦA CTY PHÂN BÓN THÔNG MINH RYNAN SMART FERTILIZERS

Sáng ngày 23/10, Công ty Rynan Smart Fertilizers phối hợp Uỷ ban nhân dân xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) tổ chức hội thảo trình diễn mô hình canh tác lúa lý tưởng. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Thanh Hùng đến dự.

Tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì Hội thảo Trình diễn máy cấy lúa kết hợp với bón phân và phun thuốc.

Sự kiện do Cty Rynan Smart Fertilizers của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tổ chức, đánh dấu thời điểm chính thức khởi động mô hình thí điểm canh tác lúa lý tưởng tại Đồng Tháp.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Tổng Giám Đốc cty Rynan Smart Fertilizers và cũng là Chủ Tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV)

Chiếc máy cấy lúa 3 trong 1 đã thu hút sự quan tâm của buổi trình diễn khi vừa có thể vừa cấy lúa, vừa bón phân và phun thuốc cùng một lúc. Cùng với máy cấy 3 trong 1 thì hệ thống quản lý mực nước tự động, được điều khiển bằng điện thoại thông minh được đặc biệt chú ý. Công nghệ này là điều kiện cần thiết để canh tác lúa theo phương pháp ngập khô xen kẻ.

Theo tính toán, mô hình canh tác lúa lý tưởng có thể giúp nông dân giảm gần 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất, cùng với đó là giảm được 50% lượng phát thải khí nhà kính. Cùng với mô hình trình diễn hơn 7,5ha của Cty Rynan, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp kết hợp với huyện Tháp Mười chuẩn bị cánh đồng rộng 170ha cũng tại xã Mỹ Đông, nhằm nhân rộng mô hình canh tác lúa lý tưởng.

Tham gia hội thảo, nông dân được tham quan mô hình trình diễn máy cấy lúa tại cánh đồng sản xuất lúa của nông dân ở ấp 4, xã Mỹ Đông với diện tích 7,6ha, thực hiện phương pháp mạ khay, khoảng cách hàng ngang là 30cm, máy cấy còn có chế độ điều chỉnh khoảng cách giữa các khóm lúa, số lượng cây/bụi theo yêu cầu của chủ ruộng.

Điểm nổi bật của mô hình canh tác lúa lý tưởng là sử dụng phân bón thông minh và sử dụng loại máy cấy hiện đại có nhiều chức năng như cùng một lúc thực hiện 3 công đoạn là cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc nên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Thanh Hùng đánh giá, mô hình có nhiều ưu điểm như sử dụng đồng bộ các biện pháp khoa học vào sản xuất kết hợp với phón phân thông minh giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm nhân công và giảm khí nhà kính, đồng thời giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, góp phầnphát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Ông Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân huyện Tháp Mười tính toán lại đặc điểm, quy mô của mô hình, có giải pháp nhân rộng giúp nông dân ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất lúa đạt hiệu quả. Ông cho biết thêm, UBND tỉnh đang xúc tiến thành lập tổ nông nghiệp 4.0, quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp kiểu mới, nhằm sớm triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại tương tự cánh đồng canh tác lúa lý tưởng ở xã Mỹ Đông.

Theo Nguyễn Thu-Cổng TTĐT Đồng Tháp

Bài liên quan