Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam Ở Nước Ngoài
Kết nối doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới.

Để kiều bào “an cư lạc nghiệp”, gắn bó nhiều hơn với quê hương, đất nước

(ĐCSVN) - Hiện có khoảng 5,5 triệu người Việt nam ở nước ngoài và hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 mang quốc tịch nước ngoài có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Trong số đó, rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên (chiếm 20%) muốn trở về quê hương sinh sống. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 đang được dư luận kiều bào đặc biệt quan tâm.

Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 đang được dư luận kiều bào đặc biệt quan tâm. 

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, chưa nghiêm… Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.Việc Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong nước cũng như ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài đối với dự thảo các luật nói chung, đặc biệt Luật Đất đai sửa đổi nói riêng, là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; là sự sáng tạo, đổi mới của Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, phát huy hơn nữa nguồn lực kiều bào trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được “nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở” (Điểm đ, khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai 2013); “thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế” (điểm b, khoản 1, Điều 169, Luật Đất đai 2013). Việc này dẫn đến hạn chế quyền nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở, quyền xây dựng và sở hữu nhà ở trên đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở; quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất tương đương với quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước. Tuy vậy, lượng bà con kiều bào sở hữu nhà lại không nhiều.

Hiện nay, có khoảng 5,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 mang quốc tịch nước ngoài có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Có khoảng 600.000 đến 700.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% cộng đồng NVNONN). Trong số đó, rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên (chiếm 20%) và nhiều doanh nhân, trí thức muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, kinh doanh, gắn bó với quê hương. Do vậy, nhu cầu muốn có căn nhà ở quê hương để đi đi về về hoặc về làm việc, kinh doanh, học tập… là rất nhiều.

Trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, Đảng ta luôn khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” (Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị). Việc sửa đổi theo hướng Dự thảo đề cập như: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở” (Điểm g, khoản 1, Điều 30 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi). “Tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (Điểm b, khoản 1, Điều 30 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) đảm bảo cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài không bị giới hạn việc (1.) nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở cũng như (2.) có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất tương đương với quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước như quy định tại Luật Đất đai 2013, quyền và nghĩa vụ về nhà ở và đất ở của Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ bình đẳng và tương tự công dân Việt Nam trong nước.

Việt Nam có thể tham khảo các nước trên thế giới (Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…) về vấn đề bán nhà ở, đất ở cho người nước ngoài và kiều bào đảm bảo dễ dàng, thậm chí không cần trực tiếp làm việc ở nước họ… Thủ tục mua nhà nhanh chóng nhưng mức giá, thuế đều cao hơn và có sự ràng buộc về điều kiện, quy định khác nhau của từng nước: Chính sách thu hút nguồn nhân lực, ngành nghề, đối tượng kiều bào, người nước ngoài (doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, tài năng…) khác nhau; đồng thời quy định rõ mức thuế, thời gian sở hữu, sau khi hết thời hạn sở hữu… đảm bảo chặt chẽ, công bằng giữa các đối tượng mua, sở hữu nhà ở, đất ở trong và ngoài nước, tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài về nước.

Việc sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần: (1.) Thực hiện ngày càng hiệu quả Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 của Bộ Chính trị, gần đây là Nghị quyết 169 của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. (2.) Thu hút nguồn lực kiều hối gửi về của kiều bào đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Việt kiều muốn về nước đều là giới trí thức, doanh nhân muốn về đầu tư phát triển đất nước, họ có đủ tiềm lực tài chính để mua nhà, đất, kinh doanh bất động sản. Vì vậy, Nhà nước cần sửa đổi chính sách, quy định cho phù hợp để tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà ở, đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam sẽ vừa tăng nguồn kiều hối vừa tạo môi trường thu hút vốn FDI tăng lên (Kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng 4,5% so với năm 2021, chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa, nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối). (3.) “An cư lạc nghiệp”  sẽ tạo tâm lý cho kiều bào “muốn về nguồn cội”, gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. (4.) Việc sửa đổi Luật Đất đai có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh trước những tình hình biến động khó lường của thế giới, khu vực.

Việc sửa đổi và triển khai thực hiện Luật Đất đai phải đồng bộ, thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Quốc tịch, Luật Kinh doanh bất động sản… tránh chồng chéo; không thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương. Đây là một vấn đề quan trọng trong hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật cho phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển của đất nước trong tình hình mới./.

Peter Hồng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội
Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Nguồn: https://dangcongsan.vn/hiep-hoi-doanh-nhan-viet-nam-o-nuoc-ngoai-ket-noi-doanh-nhan-kieu-bao-voi-doanh-nghiep-viet/nghien-cuu-trao-doi/de-kieu-bao-an-cu-lac-nghiep-gan-bo-nhieu-hon-voi-que-huong-dat-nuoc-632375.html

Bài liên quan