Do vậy, làm thế nào để bảo đảm kiều hối đầu tư về nước mang tính bền vững và có sức lan tỏa hơn là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào

 Ở nước ta, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước qua hai kênh chính thức và phi chính thức. Theo ước tính, lượng kiều hối chuyển qua kênh phi chính thức gần bằng kiều hối chuyển qua kênh chính thức. Có hai nguồn chủ lực của kiều hối về Việt Nam là kiều bào ở nước ngoài và những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó đến Anh, Australia, Canada. Về XKLĐ, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường XKLĐ chính, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Để kiều hối mang tính bền vững và hiệu quả
Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: HỒNG HẢI

Ông Peter Hồng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) nhận định: Kiều hối tác động tích cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Kiều hối cũng có thể trở thành nguồn tiền đầu tư dưới hình thức tiền gửi ngân hàng, sau đó, ngân hàng lại sử dụng vốn huy động cho vay các dự án xây dựng nhà ở. Hoặc hộ gia đình có thể trực tiếp mua cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở, làm tăng cung quỹ cho vay, tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở. Nguồn vốn đầu tư tăng thêm có tác dụng giảm lãi suất cho vay với các dự án xây dựng nhà ở, chi phí mua hoặc thuê nhà trở nên rẻ hơn, tăng số lượng nhà ở được cung cấp trên thị trường…

Một tín hiệu tích cực nữa là rất nhiều người nhận kiều hối, sau đó bán lại USD cho ngân hàng để nhận đồng Việt Nam. Đơn cử theo thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), có 50% lượng kiều hối nhận về được chuyển đổi sang đồng Việt Nam. Điều đó giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào để phục vụ khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả này có được một phần nhờ tỷ giá được duy trì ổn định, giúp nâng cao lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% đã khuyến khích người dân chuyển đổi USD sang đồng Việt Nam để gửi tiết kiệm, từ đó giúp đất nước tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài.

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô

Theo dự kiến của Chính phủ, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn với GDP tăng 6-6,5%. Trong bối cảnh này, dự báo dòng tiền kiều hối sẽ chuyển dịch về nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, làm sao để kiều hối phát huy được vai trò quan trọng, tạo ra nhiều giá trị gia tăng thông qua hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng nguồn thu ngân sách quốc gia mà không phải là các kênh đầu tư ngắn hạn hay “lướt sóng” bất động sản và chứng khoán… chính là bài toán lớn đòi hỏi có những định hướng giải pháp phù hợp để nguồn kiều hối tiếp tục phát huy vai trò, trở thành “lực đẩy” quan trọng trong đóng góp kinh tế Việt Nam.

Để thu hút mạnh hơn dòng kiều hối về Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đề xuất, thời gian tới, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, như giáo dục và sức khỏe cộng đồng… tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.

Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng hình thức vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi XKLĐ nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước…

Theo ông Peter Hồng: Để phát huy vai trò nguồn kiều hối, Chính phủ cần có những chính sách tích cực nhằm tạo niềm tin cho kiều bào; đồng thời, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực.

Đặc biệt, hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư; nới lỏng các quy định, điều khoản đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp… nhất là khâu thực thi ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước.

Bên cạnh đó, cần xóa bỏ những rào cản “vô hình” đối với các lĩnh vực đầu tư mới, như: Năng lượng, y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Chính phủ nên có những biện pháp chống dịch song song với phát triển kinh tế và các giải pháp thích ứng phù hợp, mang tính chủ động với cách nhìn thận trọng, không nên hoảng sợ, bi quan, cũng không nên quá lạc quan.

Quá trình điều hành tránh những giải pháp cực đoan tạo tâm lý “không an toàn” cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có kiều bào, để từ đó tạo sự yên tâm nhằm thu hút lượng kiều hối đầu tư vào các lĩnh vực mang tính bền vững, có sức lan tỏa cao.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-kieu-hoi-mang-tinh-ben-vung-va-hieu-qua-680740