Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam Ở Nước Ngoài
Kết nối doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới.

Phát triển kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững

Tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Ðể đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần khoảng 380 tỷ USD.

Do đó, Việt Nam cần có nhiều giải pháp tích cực nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp. Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế đầu tư vào các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải. Chỉ riêng trong hai năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Do vậy, việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.

Ảnh minh họa (Nguồn: chinhphu.vn)

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm chính trị – kinh tế – tài chính lớn của cả nước. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 31 về định hướng phát triển Thành phố và gần đây là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những định hướng, khung pháp lý để Thành phố có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhằm triển khai quá trình chuyển đổi xanh được nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.

Hiện có các lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của thành phố, như: phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển… và cơ chế cho kinh tế xanh thành phố cần dựa trên 6 trụ cột, như: điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch.

Để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình phát triển nền kinh tế xanh, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ bản sau: 

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (cả các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa) dễ dàng tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững của Nhà nước và Thành phố, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực chuyển hướng đầu tư sang sản xuất xanh, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ và Thành phố đã đề ra. Các ban, ngành cần sớm ban hành các kế hoạch, chương trình, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để có cơ sở tổ chức, triển khai thực hiện phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và cơ chế đặc thù của Thành phố.

Hai là, Phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong đóng góp ý kiến tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định về môi trường, tới kinh tế xanh và phát triển bền vững. Tăng cường cải cách, điều chỉnh việc thực hiện các chính sách cho phù hợp với cơ chế đặc thù của Thành phố: hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường; chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi với các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực kinh tế xanh.

Ba là, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, tích cực lựa chọn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường… Cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung để hỗ trợ lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, nhất là trong các ngành, lĩnh vực Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh, phát thải các-bon cao như nông nghiệp, du lịch, năng lượng,…

Bốn là, cần có chính sách đầu tư tài chính, ngân hàng mạnh mẽ vào các dự án xanh như năng lượng, vận tải, sản xuất…; có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp trong Thành phố đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

Năm là, ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. ích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế xanh. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường…

Sáu là, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD (hiện nay ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, Nhà nước và Thành phố cần có cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước: Xin Nhà nước cho thành lập ngân hàng xanh chuyên biệt hoặc quỹ đầu tư xanh…. thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tín chỉ carbon, thị trường mua bán carbon.. Đây chính là kênh thu hút hiệu quả các dòng vốn phục vụ tăng trưởng xanh, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức triển khai dự án xanh của Thành phố…

Bảy là, việc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn kinh tế “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” là mục tiêu, động lực quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Để phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, đề nghị Thành phố học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia, thu hút, thành lập Ban (Tổ tư vấn) là những chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế trên lĩnh vực kinh tế xanh để tham mưu, giúp cho Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động đề ra.

Như vậy, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành địa phương tiên phong, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, xứng đáng là trung tâm chính trị – văn hóa, đầu tầu kinh tế của cả nước./.

Peter Hồng, Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam,
Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký
Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài)

Nguồn:”https://dangcongsan.vn/hiep-hoi-doanh-nhan-viet-nam-o-nuoc-ngoai-ket-noi-doanh-nhan-kieu-bao-voi-doanh-nghiep-viet/tiem-nang-va-phat-trien/phat-trien-kinh-te-cua-thanh-pho-ho-chi-minh-theo-huong-tang-truong-xanh-ben-vung-646667.html”

Bài liên quan