Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam Ở Nước Ngoài
Kết nối doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới.

ÁO -VIỆT: THẤU HIỂU GIÁ TRỊ HOÀ BÌNH

Áo - Việt Nam có điểm tương đồng sâu sắc, đó là hai trong số các quốc gia đã từng trực tiếp bị gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi các cuộc thế chiến, chiến tranh. Hơn ai hết, nhân dân hai quốc gia này đã rút ra được những bài học đắt giá, thấu hiểu giá trị của nền hoà bình, ủng hộ mạnh mẽ trật tự toàn cầu, củng cố các hệ thống đa phương, ủng hộ Liên hợp quốc và các thể chế khu vực. "Không thể gìn giữ hoà bình bằng bạo lực. Nó chỉ có thể đạt được bằng sự thấu hiểu lẫn nhau/Peace cannot be kept by force. It can only be achieved by understanding" [1], Albert Einstein.

*Thấu hiểu giá trị hoà bình

Hơn năm mươi năm trước (1972), trong khi Việt Nam đang vận lộn đấu tranh cho nền độc lập thì tại Áo hàng đoàn thanh niên, sinh viên, trí thức người Áo, châu Âu cũng xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, tháng 5/1972, tại Salzburg, quê hương của thiên tài âm nhạc Mozart đã diễn ra ba cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các cuộc biểu tình này nhằm vào Tổng thống Mỹ Richard Milhous Nixon. Khi đó, ông đang công du đến Liên Xô và chọn Salzburg làm nơi nghỉ chân. Tại đây, ông đã bị các đoàn biểu tình và giới báo chí, truyền thông quốc tế bao vây, khiến trực thăng không thể hạ cánh ở nơi đã định sẵn. Ngày hôm sau, khi đọc báo, Tổng thống Nixon ngạc nhiên biết rằng vị thủ lĩnh của các phong trào biểu tình đó chính là chàng trai Peter Kreisky – con trai của Thủ tướng Áo Bruno Kreisky (người đồng cấp đang đón tiếp ông)… Chính các cuộc biểu tình đó đã gây lên một làn sóng dữ dội, thúc giục Chính phủ Áo ký công nhận nền độc lập của Việt Nam (thiết lập quan hệ ngoại giao) trước khi Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Áo đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên ở châu Âu thực hiện nghĩa cử này.

Trong số hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình đó, có nhiều người sau này đã trở thành nhân vật quan trọng của nước Áo, châu Âu như: Ông Peter Kreisky, Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Áo – Việt (sau khi diễn ra các cuộc biểu tình trên, ông đã cùng các bạn của mình thành lập ra tổ chức này); Ông TS. Peter Jankowitsch đã trở thành Đại sứ đầu tiên của Áo tại Liên hợp quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo – Việt; Ông Heinz Fischer đã trở thành Tổng thống Áo (hai nhiệm kỳ, 2004 – 2016); Ông Robert Jungk đã trở thành nhà báo nhận được giải Right Livelihood (1986) và được ngành bưu chính Áo chọn in tem, chính quyền Salzburg cũng đã tổ chức 20 sự kiện triển lãm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1913 – 2013)… Họ đều đã và đang đóng góp công sức vào việc gìn giữ và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Áo – Việt Nam. Giới trí thức Áo, châu Âu thấu hiểu nỗi thống khổ mà người dân Áo đã trực tiếp và gián tiếp tham gia vào hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ I, II [2].

Picture1.jpg

Chủ tịch , TS. Peter Jankowitsch (ngoài cùng bên trái) và các thành viên Hội Hữu nghị Áo – Việt tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về mối quan hệ Áo-Việt (2019) (Photo: WAJ)

Năm 1955, Áo ký trung lập vĩnh viễn và trở thành nơi gặp gỡ, đối thoại, đàm phán cho các vấn đề về hoà bình trên thế giới, như vấn đề giữa Nga và Ucraina (2014 – đến nay), vấn đề hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc… Áo không có quân đội chuyên nghiệp, không tham gia Tổ chức NATO. Thủ đô Vienna tự hào là một trong bốn trụ sở của Liên Hợp Quốc trên thế giới và các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững như: Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Cơ quan Năng lượng  Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO)…

Áo – Việt Nam có điểm tương đồng sâu sắc, đó là hai trong số các quốc gia đã từng trực tiếp bị gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi các cuộc thế chiến, chiến tranh. Hơn ai hết, nhân dân hai quốc gia này đã rút ra được những bài học đắt giá cho hoà bình. Họ thấu hiểu sâu sắc và có quyền phát biểu về giá trị của nền hoà bình chung cho toàn cầu.

Khi được hỏi về vị trí, vai trò của Áo và Việt Nam trong vấn đề gìn giữ nền hoà bình chung cho khu vực Á, Âu và thế giới, Đại sứ, TS Hans-Peter Glanzer với tư cách là người đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Uỷ ban thứ hai trong Đại hội đồng lần thứ 52, Phái đoàn thường trực của Áo tại Liên hợp quốc, New York (1996-1999) và Phó Trưởng Phái đoàn thường trực của Áo tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) (1999-2004), chia sẻ rằng: Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất quan trọng và câu hỏi rất xác đáng. Như bạn đã đề cập, cả hai quốc gia đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử như vậy, đều là những người ủng hộ mạnh mẽ trật tự toàn cầu, trong việc củng cố của các hệ thống đa phương cũng như ủng hộ Liên hợp quốc và các thể chế khu vực. Ví dụ, đối với Áo, bạn đã đề cập đến OSCE mà trụ sở hoạt động rất gần với nơi chúng tôi đang làm hiện nay (tại Áo). Đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các phương án ​​giải trừ quân bị. Loại bỏ các loại vũ khí mang tính hủy diệt hàng loạt là một trong những cách được đưa ra trong Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đạt tiêu chuẩn theo công ước này. Vì vậy, tôi thực sự thấy đây là điểm quan tâm chung, thiết thực. Hy vọng là điều đó có thể xảy ra, nhưng hiện vẫn chưa rõ về chương trình hạt nhân của Iran. Các chương trình đó sẽ được tổ chức tại Vienna, và tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chúng tôi có thể cung cấp một nền tảng cho các cuộc đàm phán, đối thoại như vậy. Nhưng cũng phải nói rằng đây đều nằm trong chính sách an ninh và đối ngoại chung của Liên minh châu Âu. Chúng ta cũng có thể xem Liên minh Châu Âu là một dự án hòa bình. Ngoài ra, châu Âu đã có những trải nghiệm rất đau thương với hai cuộc chiến tranh thế giới. Và tôi nghĩ rằng một trong những bài học rút ra từ cuộc chiến này là Liên minh châu Âu.

Đặc biệt, TS Hans-Peter Glanzer đã nhấn mạnh: Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đã, đang góp phần trong việc xây dựng, kết nối khu vực. Việt Nam cũng đã rất thành công trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tôi cũng nghĩ rằng điều đó đã tạo hình ảnh tốt trong Liên Hợp Quốc. Việt Nam là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Điều đó cho thấy sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với sự ổn định và thịnh vượng chung. Minh chứng là Học viện Ngoại giao Hà Nội cũng đã tổ chức các hội thảo chuyên sâu hàng năm. Hoặc về các vấn đề phức tạp của luật pháp, luật biển… cũng là vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam, điều này cho thấy rõ ràng sự quan tâm của Việt Nam đối với những gì tôi đã đưa ra về các quy tắc chung (các bộ luật quốc tế-PV).

*Áo – Việt – đất nước của thi ca và âm nhạc

Hai dân tộc Áo-Việt còn có điểm tương đồng sâu sắc nữa đó là thi ca và âm nhạc. Áo được coi là “thủ đô âm nhạc của thế giới” với thiên tài Mozart, và Việt Nam được ví là “đất nước của thi ca” với đại thi hào Nguyễn Du. Hàng trăm năm qua, tác phẩm của hai thiên tài, danh nhân này đã được công chúng khắp nơi trên thế giới đón nhận và truyền tụng. Đó là di sản tương đồng vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho hai dân tộc. Là nền tảng quan trọng để nhân dân hai quốc gia tiếp tục xây dựng, vun đắp tình hữu nghị thông qua giao lưu liên văn hoá, làm nền tảng vững chắc cho việc hợp tác trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục… ngày càng sâu rộng và đạt hiệu quả cao.

2.jpg

Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Kiên (thứ 3, bên phải) cùng Đại sứ các nước ASEAN nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai khối Á-Âu thông qua các chương trình giao lưu liên văn hoá (2022) (Photo: WAJ)

Trong nhiều năm qua, có rất nhiều chương trình âm nhạc cổ điển của Áo, châu Âu được tổ chức tại Việt Nam, cũng như nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam được trình diễn tại Áo, châu Âu. Đặc biệt, năm 2014, nhận thấy giá trị chung to lớn từ việc giao lưu liên văn hoá, cũng như tấm lòng của các nhà trí thức, khoa học và nhân dân hai nước dành cho nhau, nguyên Tổng thống Áo Heinz Fischer, GS Thomas A Bauer, Đại học Tổng hợp Wien (hai người đã từng xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam năm 1972) và GS, TS Tạ Ngọc Tấn cùng các nhà khoa học hai bên đã trao đổi, ủng hộ việc khởi xướng đặt Trung tâm Việt Nam học tại Áo, châu Âu. Với hy vọng, văn hoá sẽ là sợi dây bền chặt, gắn kết nhân dân hai nước trong sự sẻ chia chân thành, thấu hiểu, tương trợ lẫn nhau, góp phần bảo vệ nền hoà bình chung của khu vực và thế giới.

3.jpg

GS Thomas A Bauer, GS, TS Tạ Ngọc Tấn và đoàn các nhà khoa học hai nước tiếp kiến Nguyên Tổng thống Áo Heinz Fischer (đứng thứ 6, bên phải) (2014) (Photo: VPCP Áo)

Bên cạnh đó, hai nước cũng đã đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác trong lĩnh vực học thuật: Khoảng 30 thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học ở Áo và Việt Nam đã được ký kết; Nhiều trường đại học trong số này đã tham gia vào Mạng lưới các trường đại học hàn lâm ASEAN Châu Âu (ASEAN UNINET). Mạng lưới này được thành lập bởi các trường đại học Áo và Việt Nam; Trường Đại học Krems và Trường Đại học Hà Nội, đã có hợp tác về chương trình đào tạo cử nhân Quản trị du lịch và lữ hành; Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Viện truyền thông Đại học Tổng hợp Vienna đã hai lần ký kết nâng tầm chiến lược trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm lượt các nghiên cứu sinh, nhà báo, lãnh đạo báo chí, chính trị Việt Nam sang  học tập, nghiên cứu và thực tế tại Áo, châu Âu. Đồng thời, hai bên cũng đã phối hợp tổ chức các cuộc trao đổi đoàn, mời các chuyên gia sang Việt Nam giảng dạy, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học quốc tế và xuất bản các công trình nghiên cứu chung…

*Quan hệ song phương có nhiều triển vọng

Hiện nay, Áo nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Áo trong khối ASEAN, kim ngạch hai chiều tăng trưởng nhanh, đạt 2,8 tỷ USD (2022). Kể từ năm 2000, khối lượng lãi suất song phương đã tăng gấp 10 lần, đạt mức cao nhất là 1,4 tỷ euro vào năm 2022. Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn sang Áo, cũng như nhập khẩu nhiều hơn từ Áo về Việt Nam.

Ngược lại, Áo có hơn 40 dự án có hiệu lực tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như đường sắt, y tế, đào tạo nghề, xử lý nước thải… Hiện có khoảng 50 đến 60 công ty có mặt tại Việt Nam, chủ yếu ở Miền Nam. Trong đó, một số công ty có tên tuổi, nổi tiếng như Swarovski, các nhà sản xuất nổi tiếng như Doppelmayr, đặc biệt, Công ty Gleisbauer của Áo đã tham gia xây dựng tuyến cáp treo sở hữu 02 kỷ lục Guiness tại kỳ quan thiên nhiên vịnh Hạ Long – Quảng Ninh (Việt Nam).

Hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo – Việt Nam (1972-2022), hai nước đã không ngừng củng cố và hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã thường xuyên duy trì tiếp xúc và trao đổi các đoàn cấp cao, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, cùng phát triển. Chính vì, sự phát triển mạnh mẽ này, năm 2019, Áo đã mở Văn phòng Đại diện – Phòng thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên việc hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước.

4.jpg

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (bên phải) và Tổng Thống Áo Alexander Van der Bellen cùng Phu nhân tại Lễ đăng quang của Vua Charles III, Vương Quốc Anh (6/5/2023) (Photo: TTXVN)

Hy vọng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn cấp cao Việt Nam đến Áo theo lời mời của Tổng Thống Áo Alexander Van der Bellen (23-25/7/2023) sẽ là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo-Việt, cũng như củng cố, thúc đẩy sự hợp tác tích cực, triển vọng trong nhiều lĩnh vực.

Tác giả xin mượn lời của Đại thi hào Victor Hugo [3] để kết thúc chủ đề bài viết này: Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác/Peace is the virtue of civilization. War is its crime.

——–

1.https://www.tudiendanhngon.vn/danhngon/dn/itemid/637

2.Nguyễn Thị Bích Yến (2015), “Kinh nghiệm tác nghiệp trong môi trường quốc tế: Báo chí, truyền thông và nguyên thủ – chìa khóa của chiến tranh và hòa bình”, Báo chí về đề tài chiến tranh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế 2015, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Tổng hợp Wien – Austria, tr 415 – 435, Hà Nội, và Tạp chí Thông tin khoa học Lý luận Chính trị, số 12/2015.

3.https://www.tudiendanhngon.vn/danhngon/dn/itemid/447

        Wien, 7/2023

     TS. YEN PLATZ

Nguồn: “https://waj.world/vi/ao-viet-thau-hieu-gia-tri-hoa-binh-p8637.html”

Bài liên quan